Đánh giá Binh pháp Tôn Tử

Mười ba chương sách của cuốn Tôn Tử gồm 8.000 chữ, quán xuyến tư tưởng và phương pháp của duy vật luận đơn thuần và biện chính pháp nguyên thuỷ, nêu lên được mối quan hệ phức tạp của chiến tranh với chính trị, ngoại giao, kinh tế, hoàn cảnh tự nhiên, cùng là tác dụng tương hỗ giữa năng động chủ quan của người dụng binh với quy luật khách quan, điều kiện hiện thực, đề cập một cách toàn diện quy luật phổ biến của chiến tranh và nguyên tắc trọng yếu của chỉ đạo chiến tranh.

Binh pháp Tôn Tử là binh thư sớm nhất, vĩ đại nhất thời cổ ở Trung Quốc, mà từ xưa đến nay được xếp hàng đầu trong bảy tập võ kinh. Người Nhật suy tôn Tôn Vũ là thủy tổ của binh học phương đông là thánh điển binh học và là binh thư thời cổ bậc nhất thế giới. Thiên hoàng Minh Trị cũng đã được nghe giảng dạy về Binh pháp Tôn Tử.[15] Binh pháp của Tôn Vũ được dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài, ở châu Âu cũng rất được tôn sùng. Trong các cuộc chiến tranh liên miên, Hoàng đế Napoléon Bonaparte cũng thường đọc Tôn Tử binh pháp. Không những thế, theo nhà nghiên cứu Quách Hóa Nhược, sau cuộc Thế chiến thứ nhất, khi Hoàng đế (Kaiser) Wilhelm II của Đức được đọc Binh pháp Tôn Tử, đã than rằng:

"Tiếc thay 20 năm trước đây Trẫm không được xem cuốn sách này" [16]

Nhà cách mạng Trung Quốc Mao Trạch Đông cũng chịu ảnh hưởng của binh pháp Tôn Tử, thể hiện qua các binh thư của ông[17]. Thất bại của người Mỹ trong cuộc Chiến tranh Việt Nam cũng khiến cho các nhà lý luận quân sự hàng đầu của nước Mỹ phải để ý đến Tôn Tử binh pháp.[18][19] Tháng 8 năm 1990, sau khi Chiến tranh vùng Vịnh bùng phát, phóng viên Thời báo Los Angeles đến phỏng vấn Tổng thống George H. W. Bush, phát hiện trên bàn làm việc của ông có bày hai cuốn sách, là Hoàng đế Caesar và Binh pháp Tôn Tử[12]. Có người nói: Trong cuộc Chiến tranh vùng Vịnh, các sĩ quan quân đội Hoa Kỳ đều mang theo Binh pháp Tôn Tử. Như vậy cho thấy cuốn binh pháp cổ đại có từ 2500 năm trước, trong cuộc chiến tranh hiện đại hoá hôm nay vẫn phát huy ảnh hưởng sâu rộng. Danh tướng Takeda Shingen (Vũ Điền Tín Huyền) được tôn xưng là"Tôn Tử"của Nhật Bản. Ông suy tôn Tôn Tử là bậc thầy của mình, viết bốn câu trong Binh pháp Tôn Tử lên cờ trận, cắm tại cửa doanh trại.

"Lúc nhanh thì như gió cuốn, lúc chậm rãi như rừng sâu, lúc tấn công như lửa cháy, lúc phòng ngự như núi đá"[20].

Tôn Tử binh pháp không chỉ là báu vật của văn hoá truyền thống của dân tộc Trung Hoa, mà còn là tinh hoa của văn hoá thế giới, là của cải tinh thần chung của nhân loại.[21] Trong khi dịch Tôn Tử binh pháp năm 1957, Quách Hóa Nhược tâm sự: Văn cổ của Tôn Tử cô đúc nếu dịch theo một cách đơn giản thì trúc trắc khó hiểu, tuy trung thành nhưng không"đạt". Cho nên một mặt phải hết sức trung thành với nguyên văn, từng chữ từng câu đều phải cố giữ ý nghĩa cũ của nó, không thể thêm thắt, nếu không sẽ hoá ra chú thích. Nhưng, một mặt khác giữ từ và câu trong giọng văn diễn tả lại phải bồi bổ thêm cho gọn ý, khiến người đọc dễ hiểu. Văn cổ của Tôn Tử, văn gọn nghĩa sâu, nhiều âm điệu, có thể nói để trong vườn sẽ toả mùi thơm của hoa quý, ném xuống đất sẽ có tiếng kêu của bạc vàng. Nhiều từ sắp đối nhau, nhiều câu trùng lắp thật là đẹp khiến người ta không nỡ và cũng không dám tự ý để làm mất thần sắc và âm điệu giàu có của nó[22]

Lời tựa do nhóm biên dịch cuốn Truyện Tôn Tử của Tào Nghiêu Đức có đoạn viết: Trước tác"Binh pháp Tôn Tử"là bộ binh pháp kinh điển hàng đầu thế giới, được danh tướng các thời đại đề cao, nức tiếng xưa nay. Tác dụng và giá trị của nó, không chỉ hạn hẹp trong phạm vi quân sự, mà các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, văn hoá, kinh tế, đều chịu ảnh hưởng sâu sắc.[23]

Một tuyệt tác quân sự kinh điển ở châu Âu sánh vai với binh pháp Tôn Tư là"Những quân lệnh của Friedrich Đại đế dành cho binh tướng của mình"do chính vị vua - chiến binh vĩ đại Friedrich II của Phổ (Friedrich Đại đế) viết nên (1747). Các nhà nghiên cứu cho rằng kiệt tác này có nhiều tư tưởng giống với binh pháp Tôn Tử.[24][25][26] Tỷ như trong khi Tôn Tử viết: "Biết người biết ta, trăm trận không nguy; không biết người mà chỉ biết ta, một trận thắng một trận thua; không biết người, không biết ta, mọi trận đều bại." Thì Friedrich Đại đế cũng có viết: "Một người phải biết về các kẻ thù của mình, các liên minh của chúng, bản chất và tài nguyên của nước chúng để mà còn tiến quân. Một người phải biết kiếm bạn hữu, biết tài nguyên của mình, và phải biết nhận thấy những hiệu quả tương lai mà người này mong muốn hoặc lo sợ từ những thủ đoạn chính trị".[27] Mã Nhất Phu đánh giá về binh pháp Tôn Tử như sau: Ảnh hưởng của cuốn Tôn Tử không chỉ giới hạn ở lĩnh vực quân sự."Tôn Tử"là phương lược trị quốc của chính trị gia, là tấm gương soi của nhà triết học, là pháp bảo của nhà ngoại giao, là báu vật ở trong con mắt của văn học gia; trong cuộc thương chiến kịch liệt hiện nay, đó cũng là sách giáo khoa chiến lược của những nhà kinh doanh. Vị thần kinh doanh Tùng Hạ của Nhật Bản cũng cho rằng, cuốn Tôn Tử là pháp bảo thành công của ông ta [28]

Binh pháp Tôn Tử được vận dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, hấp dẫn được sự chú ý nghiên cứu của nhiều nhân sĩ, cuối cùng đã gây thành một sức nóng Tôn Tử mang tính toàn cầu.

Hạn chế

Do hạn chế của hiện thực khách quan và mức độ nhận thức đương thời, cuốn Tôn Tử không thể tránh khỏi những chỗ thiên lệch hoặc lầm lẫn, như xem nhẹ vai trò binh sĩ, chỉ chú trọng được lợi mà không để ý đến chính nghĩa hay là không chính nghĩa như: cướp bóc thôn xóm, giành lấy nhân lực của nước địch; mở rộng lãnh thổ, giành lấy của cải nước địch. Cần chú ý xem lại những phần đó.

Trên thực tế, những việc như trên là điều không thể nào tránh khỏi. Trong giao tranh, điều quan trọng nhất mà một tướng lĩnh phải đặt lên hàng đầu chính là kết quả của trận chiến, chỉ cần thắng lợi thì những điều khác đều không còn ý nghĩaví dụ: nếu như không tấn công các thôn làng sẽ không thể duy trì lực lượng chiến đấu cho quân sĩ, không thể ép quân địch tự chui vào kế. Hoặc nếu như chỉ quan tâm đến số người có thể bị mất thì không thể nào có thể chiến thắng.